Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thu Nguyệt từ Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ: Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, thường lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng hoặc các vết thương của người đang mắc bệnh.
Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng nếu hệ miễn dịch của họ chưa đủ mạnh để chống lại virus gây bệnh. Điều này có nghĩa là khi người lớn chăm sóc trực tiếp các trẻ nhỏ bị bệnh mà không thực hiện các biện pháp dự phòng hoặc khi có hệ miễn dịch yếu và tiếp xúc với môi trường chứa virus gây tay chân miệng sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh dễ dàng.
Cũng giống như trường hợp của trẻ em, nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở người lớn thường do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, bao gồm Coxsackie, Echo và một số virus đường ruột khác. Trong số đó, các virus phổ biến nhất là EV71 (virus đường ruột tuýp 71) và Coxsackie A16. Đáng lưu ý, virus EV71 có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong.